Bang & Olufsen có thể không phải là thương hiệu làm ra những mẫu loa có mức giá “yêu thương” nhất nhưng họ chắc chắn hiểu cặn kẽ người yêu nhạc cần gì và điều này đã được hiện thực hóa trong mỗi sản phẩm của hãng. Trong nhịp sống hiện đại, người dùng sẽ không chỉ quan tâm đến âm thanh của loa có hay không mà còn muốn nó mang một thiết kế đẹp để tận dụng như một món nội thất trong nhà. Bang & Olufsen thấu hiểu điều này và bởi vậy đã đưa thiết kế trở thành một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu khi làm ra một chiếc loa. Và có thể nói, một trong những thiết kế độc đáo nhất của B&O là hai chiếc loa anh em Beosound 1 và Beosound 2. Ra mắt cùng thời điểm, mang nhiều đặc trung thiết kế giống nhau, vậy hai chiếc loa này có những điểm gì giống và khác nhau nữa? Thành Lâm Media sẽ cho bạn câu trả lời qua bài viết dưới đây.
Đồng điệu trong cảm hứng thiết kế
Cả hai chiếc loa Beosound 1 và 2 đều có thiết kế hình nón giống nhau. Phần thân chính của loa được chế tác từ nhôm cao cấp sáng bóng, nhìn xa trông chiếc loa tựa như một mô hình tàu con thoi hay một chiếc chụp đèn cỡ nhỏ.
Một chi tiết mà mình rất thích ở hai chiếc loa này và nó thể hiện sự tinh tế của Bang & Olufsen. Đó là phần tay cầm của loa. Thoạt nhìn thì bạn sẽ khó hình dung tay cầm của loa được đặt ở đâu bởi thiết kế của Beosound 1 và 2 là một khối liền mạch, không có phần dư thừa nào. Nhưng khi nhìn kỹ hơn bạn sẽ để ý thấy phần thân loa chính tách rời với phần trên bằng một khe hở hẹp, đủ để ta có thể luồn tay vào. Phần bên trong được thiết kế cong nhẹ phù hợp với độ cong của ngón tay để bạn có thể nâng chiếc loa lên dễ dàng và chắc chắn mà không gây cảm giác khó chịu.
Phần trên của loa là một hệ thống Acoustic Lens (Thấu kính âm thanh) có tác dụng phát âm thanh ra 360 độ xung quanh loa. Ngay bên dưới nó, trong khe tay cầm là một đèn LED hiển thị trạng thái loa được tích hợp sẵn. Đèn nhỏ màu trắng này sẽ phát sáng khi loa được kết nối với nguồn âm hoặc khi các loa được ghép nối với nhau. Nó trông gần giống như một con đom đóm nhỏ đang bay lượn bên trong, trông khá vui mắt.
Một điểm tương đồng đáng chú ý ở Beosound 1 và Beosound 2 là bạn hoàn toàn sẽ không tìm thấy một nút điều khiển vật lý nào trên thân loa. Toàn bộ việc điều chỉnh âm lượng, bài nhạc sẽ được tùy chỉnh bằng hai cách: một là qua ứng dụng Bang & Olufsen đã quá quen thuộc với các fan của B&O, và hai (đây là cách mình thích nhất) bằng cảm ứng trên bề mặt của loa, còn gọi là Touch Control. Bảng cảm ứng này được gắn ở mặt trên của loa. Các thao tác điều khiển cũng khá đơn giản: một lần chạm để bật nguồn, vuốt sang trái hoặc phải để thay đổi bản nhạc và điều chỉnh âm lượng bằng cách xoay bảng cảm ứng, như việc bạn vặn nắp một chai nước vậy.
Trên bề mặt bảng cảm ứng hoàn toàn không có một ký hiệu nào để thể hiện đâu là hướng trái và đâu là hướng phải của loa nhưng bạn hoàn toàn không cần để ý. Bởi thay vì yêu cầu bạn vuốt theo hướng chính xác, hai chiếc loa này sử dụng cảm biến để xác định vị trí bạn đang đứng so với loa và sau đó diễn giải cử chỉ theo hướng hiện tại của bạn. Đây quả là một tính năng thông minh cực ăn tiền của Beosound 1 và Beosound 2.
Ngoài ra, một số điểm giống nhau khác giữa hai chiếc loa này có thể kể đến là đều thuộc dòng multi-room nên có thể ghép nối với loa khác để set up hệ thống âm thanh đa phòng trong nhà bạn. và hai chiếc loa này đều có hỗ trợ stream nhạc qua Bluetooh 4.2, Wi-fi, Airplay 2, Chromecast và đều tích hợp trợ lý giọng nói Google Assisstant.
Những điểm khác biệt giữa Beosound 1 và Beosound 2
Nguồn điện
Điểm khác biệt đầu tiên cần nói tới đó chính là nguồn điện loa sử dụng để vận hành. B&O Beosound 1 là một chiếc loa di động, tích hợp pin có khả năng chơi nhạc liên tục trong 12 giờ ở mức âm lượng trung bình. Trong khi đó, Beosound 2 dùng nguồn AC trực tiếp để hoạt động. Vậy nên chiếc loa này chỉ có thể được sử dụng ở một số vị trí, không giống Beosound 1 là bạn có thể xách nó lên và đi bất cứ đâu. Có thể nói, đây là một trong những vấn đề mà bạn cần cân nhắc đầu tiên khi so sánh giữa hai chiếc loa này.
Kích thước
Beosound 1 là mẫu loa di động vậy nên kích thước của nó cũng cần đủ nhỏ và gọn để đáp ứng nhu cầu mang đi của người dùng. Cụ thể thì loa cao 32.7cm và chiều dài đường kính tại phần lớn nhất của thân loa là 16.2cm. Loa nặng khoảng 3.5kg, không hẳn là nhẹ cân nhưng cũng sẽ không gây khó khăn khi bạn di chuyển nó.
Beosound 2 có kích thước nhỉnh hơn một chút so với đàn em của mình. Phần vì loa được thiết kế để đặt một chỗ, không cần di chuyển nhiều, phần vì kích thước cần lớn hơn để có thể bao trọn các củ loa bên trong (mình sẽ nói kỹ hơn về phần này ở dưới). Kích thước của Beosound 2 được hãng công bố là 20 x 43.1 x 20 cm và nặng khoảng hơn 4kg.
Hệ thống xử lý âm thanh
Bên trong Beosound 1 là một loa woofer 4″ bộ khuếch đại class D 20W và một loa toàn dải 1.5″ bộ khuếch đại class D 40W. Như vậy, công suất chơi nhạc định mức của loa đạt được là 60W. Trong khi đó, công suất tổng của Beosound 2 đạt 102W, bao gồm một loa tweeter 3/4″ class D 40W, hai loa mid-range 2″ class D 11W và 2 loa woofer 5.25″ class D 20W.
Có thể nói hai mẫu loa này đều tái hiện và truyền tải âm thanh vô cùng chi tiết và chân thực. Người nghe tưởng như có thể cảm nhận được từng sắc thái của ca sĩ như thể đang nghe trực tiếp tại buổi liveshow vậy. Tuy nhiên, âm thanh của Beosound 2 cho cảm giác mở rộng hơn so với người anh em của nó. Với 5 củ loa tích hợp thì Beosound 2 bóc tách các lớp âm một cách rõ ràng hơn.
Đánh giá tổng quan
Trên đây là tổng hợp của mình về hai chiếc loa thuộc cùng một series của Bang & Olufsen là Beosound 1 và 2. Cá nhân mình thấy Beosound 1 sẽ là sự lựa chọn tiện lợi hơn cho những ai muốn mang âm thanh theo mình và nó hợp chơi nhạc nền trong các buổi trò chuyện với bạn bè. Còn Beosound 2 với công suất lớn hơn và không cần lo lắng về pin thì sẽ hợp với những buổi tiệc, buổi tụ tập đông người.
Còn các bạn nghĩ sao? Hãy cho mình biết sự lựa chọn của các bạn ở phần comment nhé!